zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Chấn chỉnh công tác giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh

18/06/2024 - 214

Toàn cảnh cuộc họp

Chiều ngày 17/6/2024 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến về “Chấn chỉnh công tác giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc”. Tham dự có đại diện Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ Y tế, 10 cơ sở y tế thuộc lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị báo cáo hoạt động trong lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh.

Các đại biểu tham gia báo cáo tại cuộc họp bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu kết luận cuộc họp

Kết luận cuộc họp, trên cơ sở thảo luận, thống nhất của các đại biểu dự họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã kết luận, chỉ đạo như sau: lĩnh vực giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh rất khó khăn, phức tạp, gặp nhiều vướng mắc và hạn chế cả về cơ sở vật chất, nhân lực. Tuy nhiên Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhưng không để xảy ra hành vi tiêu cực trong giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh. Vấn đề ở đây là khâu tổ chức triển khai thực hiện và ý thức của một số cá nhân chưa tốt nên dẫn đến vi phạm. Sự việc xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà là điều cảnh tỉnh để các đơn vị, cơ sở y tế tổ chức thực hiện. Để thực hiện tốt nhiệm vụ giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh, đề nghị các đơn vị quán triệt đến 100% cán bộ và triển khai các nhiệm vụ cụ thể:

1/Đối với các đơn vị thực hiện giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh:

 - Khi thực hiện tiếp nhận trưng cầu/yêu cầu của cơ quan tố tụng, của các tổ chức, cá nhân để giám định phải đảm bảo khách quan, trung thực, chính xác, đúng quy trình, đúng quy định của Luật Giám định tư pháp và Thông tư số 23/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế “Ban hành Quy trình giám định pháp y tâm thần và Biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần”;

- Các giám định viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Thông tư số 11/2022/TT-BYT ngày 01/11/2022 của Bộ Y tế “Quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên pháp y và giám định viên pháp y tâm thần”;

-  Nghiêm túc thực hiện tự kiểm tra đánh giá hoạt động của đơn vị theo các tiêu chí và bảng điểm được quy định tại Quyết định số 5092/QĐ-BYT ngày 07/12/2020 của Bộ Y tế “Ban hành Quy chế kiểm tra và bảng điểm đánh giá công tác giám định pháp y tâm thần, công tác tiếp nhận, điều trị và quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh”;

- Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn, chủ động triển khai ký hợp đồng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế thực hiện khám chuyên khoa, khám cận lâm sàng cho các đối tượng đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí và quản lý chặt chẽ đối tượng; tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát về tình hình, kết quả giám định theo quyết định trưng cầu; chỉ tiếp nhận giám định khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định; chỉ bàn giao kết luận giám định, đối tượng giám định cho các nhân, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật;

- Có hình thức khen thưởng, kỷ luật nghiêm khắc đối với các tổ chức, cá nhân trong cơ quan, đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ được phân công;

- Rà soát, tổng hợp và đề xuất nội dung cụ thể để sửa đổi các văn bản quy định không còn phù hợp và báo cáo Bộ Y tế (qua Cục Quản lý Khám, chữa bệnh).

- Các đơn vị trong hệ thống giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh cần chủ động tham mưu Bộ Y tế đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu, nhân lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu chuyên môn. Nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiên cứu kỹ các văn bản Luật, các quy trình chuyên môn của Bộ Y tế đảm bảo ban hành các kết luận giám định khách quan, trung thực, chính xác, kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát trong nội bộ đơn vị nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nghiêm túc rút kinh nghiệm từ các trường hợp trốn viện đã xảy ra để tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, quản lý;

- Đối với hoạt động của Hội đồng Giám định và Hội đồng chuyên môn: Đảm bảo công tâm và khách quan, phát huy trách nhiệm, vai trò của Hội đồng chuyên môn để tư vấn cho Hội đồng giám định;

- Rà soát, sắp xếp riêng khoa/khu/buồng điều trị đối với người bệnh bắt buộc chữa bệnh; đối với các đơn vị đã thành lập khoa điều trị bắt buộc chữa bệnh: Hạn chế thấp nhất việc để bệnh nhân tâm thần thông thường điều trị chung với người bệnh bắt buộc chữa bệnh; bố trí riêng khu bệnh nhân nam – nữ. Đối với các đơn vị chưa thành lập khoa điều trị bắt buộc: rà soát, củng cố đảm bảo đủ điều kiện và báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định;

- Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ quản lý khoa, phòng, kíp trực, nhân viên y tế. Rà soát các quy chế, quy định về quản lý ra vào khoa/phòng điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh; nghiêm cấm, không được mang vào phòng điều trị các vật dụng không được phép; ban hành quy định và có hình thức xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tập thể không thực hiện/cố tình không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công; kiểm tra và khắc phục ngay hệ thống camera giám sát quản lý người bệnh;

- Phối hợp với địa phương, gia đình người bệnh bắt buộc chữa bệnh nhằm đảm bảo trong việc bàn giao bệnh nhân sau khi ổn định bệnh, kiên quyết không để tồn đọng bệnh nhân đã ổn định tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh; rà soát, bổ sung quy chế người nhà thăm bệnh nhân tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh hợp lý, phù hợp, đảm bảo công tác quản lý người bệnh. Chủ động đề xuất, xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ sở bắt buộc chữa bệnh và công an tại địa phương để quản lý và bàn giao khi bệnh nhân quay lại thực thi pháp luật;

- Đối với việc chuyển viện, chuyển tuyến khám chuyên khoa tại các bệnh viện chuyên khoa: nghiêm túc thực hiện theo quy định tại Quyết định số 5091/QĐ-BYT ngày 07/12/2020 của Bộ Y tế ban hành tạm thời quy trình tiếp nhận, điều trị và quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. Báo cáo về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 8), Cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bệnh nhân và Sở Y tế nơi cơ sở chuyên khoa đóng trụ sở để kịp thời hướng dẫn xử lý khi người bệnh bắt buộc chữa bệnh lợi dụng bỏ trốn;

- Chủ động ký kết hợp đồng trách nhiệm hoặc cam kết giữa cơ sở bắt buộc chữa bệnh với cơ sở điều trị chuyên khoa trong việc phối hợp quản lý và điều trị người bệnh bắt buộc chữa bệnh (điều trị bệnh lý tâm thần và bệnh lý chuyên khoa) khi điều trị tại cơ sở chuyên khoa khác.  Nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật khi người bệnh bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an địa phương và các cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định.

2/ Thanh tra Bộ Y tế: Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh rà soát công tác giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh các đơn vị xong trước ngày 30/6/2024. Trên cơ sở kết quả rà soát, tiến hành thanh tra đột xuất ngay đối với các đơn vị có biểu hiện vi phạm trong giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh; đồng thời hằng năm, đưa nội dung này vào kế hoạch thanh tra trình Bộ Y tế xem xét, quyết định;

3. Cục Quản lý khám, chữa bệnh chủ trì phối hợp với Vụ pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu đề xuất phương án tháo gỡ để duy trì hoạt động của Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Đồng Nai; xây dựng kế hoạch tổng kết hoạt động của lĩnh giám định pháp y tâm thần và bắt buộc chữa bệnh năm 2023 (xong trước 25/6/2024) kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của cơ quan tố tụng./.




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.