Bộ y tế
Mít tinh kỷ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam
01/07/2024 - 105
Sáng 01/7/2024, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam (01/7/2009 - 01/7/2024).
Buổi lễ là dịp để ngành Y tế và ngành BHXH Việt Nam cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT trong 15 năm qua; tạo động lực quan trọng tiếp tục lan tỏa chính sách trong cộng đồng.
Tham dự lễ mít tinh có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam - PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên; PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện một số Vụ, Cục, đơ vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, BHXH và các đơn vị liên quan.
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu.
Bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước
Phát biểu tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) của nước ta phát triển qua nhiều giai đoạn với sự ra đời của Nghị định số 299/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 15/08/1992 ban hành Điều lệ BHYT. Năm 1998 là Nghị định số 58/1998/NĐ-CP và năm 2005 là Nghị định số 63/2005/NĐ-CP, cột mốc đánh dấu sự phát triển chính sách BHYT quan trọng nhất là việc Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014. Luật BHYT được ban hành là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT, tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa 12 ban hành ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu:
Đến năm 2025: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%.
Đến năm 2030: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.
Chính phủ cũng cam kết và đảm bảo các nguồn kinh phí đủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình.
“Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương và nỗ lực của Bộ Y tế, tổ chức Bảo hiểm xã hội, Luật BHYT và các văn bản quy phạm hướng dẫn Luật BHYT đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng: Số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng”- Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết thêm: Tính đến tháng 12/2023, toàn quốc có trên 93 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT là 93,35% dân số. Đáng chú ý là trong bối cảnh kinh tế, xã hội chịu ảnh hướng lớn của đại dịch COVID-19, tỷ lệ này chứng tỏ BHYT đã là một nhu cầu của đời sống xã hội, nhận thức về ý nghĩa của việc tham gia BHYT được nâng cao, chất lượng dịch vụ y tế, dịch vụ BHYT đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đảm bảo an sinh xã hội nói chung và BHYT nói riêng.
Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo. Quỹ BHYT luôn được cân đối và có kết dư đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, bảo vệ tài chính cho người tham gia BHYT khi ốm đau bệnh tật phải khám và điều trị. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
“Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT liên tục được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh; phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh; giám định, quản lý và sử dụng quỹ BHYT và các vấn đề liên quan đến tổ chức và quản lý nhà nước về BHYT” - Bộ trưởng phát biểu.
Các đại biểu tham dự sự kiện.
Tham gia BHYT góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội
Nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của BHYT, xem đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp:
Một là, tiếp tục quán triệt nhận thức sâu sắc về vai trò của bảo hiểm y tế như một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các chương trình công tác của các cơ quan Đảng và chính quyền. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; duy trì và mở rộng bền vững đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế, đặc biệt là tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, phấn đấu đến năm 2025 là 95% dân số, đến năm 2030 đạt trên 95% dân số tham gia BHYT;
Hai là, tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về bảo hiểm y tế, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế đối với người lao động, thân nhân người lao động, các đối tượng yếu thế; rà soát bảo đảm không bỏ sót các đối tượng, thực hiện bao phủ BHYT đến mọi đối tượng trong xã hội;
Ba là, tập trung nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia BHYT đặc biệt là các quyền lợi để giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh từ sớm, từ xa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, tính toán đề xuất mức đóng phù hợp để bảo đảm khả năng cân đối của quỹ bảo hiểm y tế;
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với bảo hiểm y tế và dịch vụ khám, chữa bệnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức thực hiện; chia sẻ, sử dụng thông tin hiệu quả giữa các cơ sở y tế;
Năm là, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực, cơ sở vật chất; tạo điều kiện cho các bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, góp phần giảm tải cho các bệnh viện cấp chuyên sâu và giảm thiểu tình trạng lãng phí. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý đấu thầu, mua sắm, sử dụng thuốc và thiết bị y tế theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, công khai minh bạch; đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT phù hợp giữa cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT bảo đảm kiểm sát tốt việc chi tiêu khám chữa bệnh BHYT, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người tham gia và cho cơ sở khám chữa bệnh;
Sáu là, xây dựng chế tài chặt chẽ để yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm y tế theo Luật Bảo hiểm Y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm y tế, các tập thể, cá nhân lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế;
Bảy là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để mỗi người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị hiểu về lợi ích, trách nhiệm và quyền lợi để chủ động, tích cực tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, đồng bộ.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu.
Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết: Sau hơn 15 năm tổ chức triển khai Luật BHYT, với sự vào cuộc của các ngành, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế,… công tác tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật BHYT ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Theo đó, quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển BHYT toàn dân được thể chế hóa và đi vào đời sống, hệ thống pháp luật về BHYT được thường xuyên sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, thống nhất phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội.
Công tác truyền thông chính sách, pháp luật được coi trọng, đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp; tạo ra sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội; người dân, doanh nghiệp và cơ sở khám chữa bệnh ngày càng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò của chính sách pháp luật BHYT.
Đáng chú ý, độ bao phủ tăng nhanh và phát triển bền vững, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Năm 2008, toàn quốc có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số, đến năm 2015 đạt tỷ lệ 74.87% thì đến hết năm 2023 đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số (tương ứng với 93,6 triệu người tham gia BHYT).
Hệ thống cơ sở y tế ngày càng được mở rộng, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai có hiệu quả, chuyên sâu, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Quỹ BHYT được bảo toàn và tăng trưởng bền vững qua các năm trong điều kiện các nguồn lực có hạn, tối ưu hoá trong sử dụng nguồn quỹ BHYT, cân đối được thu chi và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT; kiểm soát chi, chống trục lợi, gian lận quỹ được tăng cường. Công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ được coi là nhiệm vụ trọng tâm, cải cách TTHC nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi và đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT; chống trục lợi, tối ưu quỹ BHYT.
Quang cảnh lễ mit tinh.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, có được những kết quả nêu trên, trước hết phải nói đến sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, trong đó đặc biệt là sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ của ngành Y tế.
Cũng theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, để tiếp tục thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về mục tiêu BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, ngành BHXH Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ, sự phối hợp của các cấp, các ngành; sự chung tay của toàn xã hội trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Bộ Y tế tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT nhằm đảm bảo cho mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ở bất cứ đâu, được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, nhanh nhất và thuận tiện nhất.
Ngành BHXH Việt Nam và ngành Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đề xuất mở rộng các quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia BHYT; áp dụng thông tuyến BHYT giữa các cơ sở khám chữa bệnh với bệnh nhân đã chẩn đoán bệnh và cần điều trị chuyên khoa sâu; ban hành các quy trình, quy chế, công cụ kiểm soát chặt chẽ chi phí khám chữa bệnh BHYT, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT, giảm chi phí không cần thiết, tiết kiệm, ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi, sử dụng lãng phí quỹ BHYT để tập trung mọi nguồn lực cho khám, chữa bệnh, đặc biệt là các bệnh hiếm, bệnh mạn tính, bệnh hiểm nghèo và nhóm người có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu.
WHO tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong công tác chăm sóc và bảo vệ nhân dân
Chia sẻ tại sự kiện, bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: WHO đã tham gia hỗ trợ Việt Nam từ những ngày đầu tiên khi Bộ Y tế bắt đầu quá trình soạn thảo Luật BHYT. Giờ đây, các nhu cầu sức khỏe được đáp ứng một cách kịp thời và hiệu quả, Việt Nam đã đạt được tỉ lệ bao phủ BHYT lên tới hơn 93%.
Bà Angela Pratt khẳng định: BHYT là thành phần cơ bản trong chăm sóc sức khỏe người dân, nhằm giảm gánh nặng kinh tế cho người dân, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu. BHYT Việt Nam đã giúp hàng triệu người dân được chăm sóc sức khỏe.
“Trong tương lai, chúng ta cần phải cân nhắc việc thiết kế những dịch vụ nào được quỹ BHYT chi trả và cách thức khuyến khích phù hợp để các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả nhất. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc thiết kế chính sách và thanh toán BHYT có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc xác định các dịch vụ được cung cấp ở mỗi cấp độ của hệ thống y tế. Đây cũng là đòn bẩy quan trọng để định hướng toàn bộ hệ thống tới chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng hơn” – Trưởng đại diện WHO nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp an sinh xã hội”; Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, cống hiến nổi bật trong lĩnh vực BHYT nói riêng và sự nghiệp an sinh xã hội nói chung.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân” và Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đã có nhiều thành tích đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp an sinh xã hội” và Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, cống hiến nổi bật trong lĩnh vực BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT