zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết

28/06/2024 - 41

Ngày 28/6/2024 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội nghị phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết trong khuôn khổ kế hoạch hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết hàng năm. PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế và TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam chủ trì hội nghị.

 

Tham dự hội nghị có PGS.TS. Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Chương trình Kiểm soát dịch bệnh, Văn phòng WHO khu vực Châu Á, Thái Bình Dương; đại diện một số Bộ/ngành liên quan; các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và môi trường…

PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Bệnh lây lan nhanh chóng về mặt địa lý và ngày càng có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mới lưu hành sốt xuất huyết. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành; trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương. Sốt xuất huyết đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của khoảng một nửa dân số thế giới, với ước tính khoảng 100 - 400 triệu ca nhiễm bệnh xảy ra mỗi năm.

Đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine phòng bệnh đã có, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu dựa vào phòng, chống véctơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Các nước có lưu hành sốt xuất đã đầu tư nhiều nguồn lực, tuy nhiên kết quả vẫn còn hạn chế.

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết đã lưu hành ở hầu hết số các địa phương trên cả nước. Sốt xuất huyết là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và gần 100 trưởng hợp tử vong mỗi năm, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em. Năm 2022 số mắc sốt xuất huyết lên đến trên 300.000 trường hợp và trên 300 trường hợp tử vong. Sốt xuất huyết không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh và gia đình mà còn làm tổn thất đến kinh tế, xã hội và gia tăng nguy cơ đói nghèo.

Quang cảnh hội nghị.

Thời gian qua, phòng, chống sốt xuất huyết luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm; chương trình phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua, đã góp phần đạt 3 mục tiêu: giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong và khống chế không xảy ra dịch lớn. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, từ đặc điểm của bệnh; vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão; đô thị hoá, di dân, giao thương du lịch gia tăng; các hành vi, thói quen của người dân đến các khó khăn về nguồn lực đầu tư và hạn chế trong phối hợp liên ngành nên việc kiểm soát, phòng, chống sốt xuất huyết ngày càng gặp nhiều khó khăn và thách thức.

Bộ Y tế xác định công tác phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ là vấn đề của riêng ngành Y tế mà cần sự vào cuộc các cả hệ thống chính trị, sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, bạn bè quốc tế, người dân, cộng đồng và toàn xã hội.

“Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và bạn bè quốc tế trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết thời gian qua và mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm; đồng thời cam kết mạnh mẽ để chung tay đẩy lùi dịch bệnh, hướng tới một thế giới, một khu vực, một quốc gia không có sốt xuất huyết”- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, bài học và tập trung thảo luận, đề xuất các khuyến nghị và giải pháp trong phòng, chống sốt xuất huyết về giám sát, dự báo, phòng, chống véctơ, chẩn đoán và điều trị; sử dụng vaccine; truyền thông thay đổi hành vi và nhất là công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống sốt xuất huyết theo cách tiếp cận một sức khỏe nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân…

TS.Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam phát biểu.

Theo TS.Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Sốt xuất huyết vẫn là mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng và nguy cơ chung ở cấp độ toàn cầu vẫn được đánh giá là cao. Cùng với các biện pháp giám sát và kiểm soát muỗi vằn, vaccine an toàn và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc giảm gánh nặng sốt xuất huyết. Thành tựu vaccine sốt xuất huyết được các chuyên gia ví là "vũ khí mới đối phó với dịch bệnh", giúp hàng triệu người được bảo vệ hiệu quả…tuy nhiên vaccine không phải là giải pháp duy nhất mà phải có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ giữa các cơ quan của Việt Nam.

“WHO đã làm việc với các Bộ Y tế trong khu vực để xác định và thực hiện các biện pháp can thiệp ưu tiên xây dựng kế hoạch ứng phó quốc gia; đào tạo nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế cơ sở; hỗ trợ các chương trình kiểm soát muỗi tổng hợp thông qua hợp tác liên ngành và sự tham gia của cộng đồng; thu hút cộng đồng cùng phát triển và thực hiện các kế hoạch hành động mạnh mẽ ứng phó với dịch bệnh bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, vật tư thiết yếu và hỗ trợ hậu cần…”- TS. Angela Pratt phát biểu.

PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, TS.Angela Pratt cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe và thảo luận một số nội dung như: Tình hình bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động phòng, chống đã triển khai tại Việt Nam; tình hình sốt xuất huyết trên thế giới và một số mô hình tiếp cận “Một Sức khỏe” trong phòng, chống sốt xuất huyết; công tác thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Việt Nam; ứng dụng mô hình dự báo trong tương lai và khả năng ứng dụng vaccine trong phòng, chống sốt xuất huyết; diễn biến điều kiện thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm, khí hậu và tác động tới dịch bệnh; phối hợp liên ngành trong dự báo, đánh giá nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết; công tác đảm bảo thuốc, dịch truyền trong điều trị sốt xuất huyết; công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết; định hướng phối hợp liên ngành trong phòng chống sốt xuất huyết theo mô hình tiếp cận “Một Sức khỏe”./.




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.